Cách khởi nghiệp kinh doanh cửa hàng bán quần áo từ A-Z

Giới thiệu chung
Thị trường mục tiêu
Chi phí khởi nghiệp
Hoạt động
Marketing

blank

Mở một cửa hàng quần áo là một công việc quan trọng và hết sức nghiêm túc. Với một số người, nó đồng nghĩa với việc phải hy sinh một vị trí ở một công ty nào đó với lương lậu ổn định, nhiều cơ hội thăng tiến và những kỳ nghỉ mát được bao trọn gói. Tất cả để đổi lấy một công việc kéo dài 12-14 tiếng mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần. Nancy Standforth, giảng viên bộ môn kinh doanh thời trang của Đại học bang Oklahoma, khẳng định: “Quản lý một cửa hàng quần áo là công việc đòi hỏi bạn phải dành toàn thời gian chứ không chỉ 8 tiếng mỗi ngày”

Có một điều rất may mắn là thị trường luôn rộng cửa đón chào những cửa hàng thời trang mới và năng động. Có thể bạn không thấy được điều này khi chỉ tính những trung tâm thương mại, mua sắm mới xuất hiện. Tuy nhiên nếu nhìn vào số cửa hàng nhỏ độc lập đang mọc lên như nấm thì sẽ khác. Thực tế cho thấy hầu hết các cửa hàng bán lẻ, trong đó có thời trang, đều có quy mô và doanh thu nhỏ và chỉ do 1 hoặc 2 người (có thể là vợ chồng) làm chủ.

Để biết mình có sở trường thực sự về thời trang không, bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây.

1. Đây có phải là mảng kinh doanh bạn đã nắm vững được phần nào?

Có thể là bạn đã học về kinh doanh thời trang hay từng xem bố mẹ/ông bà mình bán hàng hay có thời gian làm thêm ở cửa hàng quần áo nào đó. Dù là cách này hay cách khác thì việc có chút kinh nghiệm dắt lưng cũng như năng khiếu kinh doanh đóng vai trò quan trọng không kém gì niềm đam mê của bạn với thời trang.

2. Liệu bạn có chịu nổi những rủi ro cố hữu của nghề kinh doanh thời trang?

Nói thể không phải để dọa dẫm mà là để bạn có một cái nhìn thực tế hơn. Nếu bạn thực sự nghiêm túc muốn mở hàng quần áo, bạn phải biết rằng lĩnh vực kinh doanh này cũng mạo hiểm giống như bán hàng ăn. Có thể bao vốn liếng bạn đổ vào đó bỗng chốc tiêu tan trong thời gian ngắn.

“Mọi ngành nghề kinh doanh đều gắn liền với rủi ro, không có gì là chắc chắn 100% cả” – Fred Derring, Chủ tịch và chủ sở hữu công ty tư vấn tiếp thị thời trang D.L.S Outfitters ở New York (Mỹ) khẳng định. “Riêng ngành thời trang, bạn phải thực sự yêu nó thì mới được vì đây là ngành có thu nhập “hẻo” nhất trong số các ngành. Ví như kinh doanh hàng ăn, nếu thành công thì chỉ 5 năm bạn đã có thể kiếm được số tiền tương đương với 15 năm bán quần áo”.

3. Có phải bạn đặt rất nhiều niềm tin vào ngành kinh doanh thời trang không?

Bạn phải nghĩ cho kỹ tại sao mình lại muốn mở một cửa hàng thời trang chứ không phải là một cửa hàng gì khác. Nói gì thì nói, đam mê của bạn phải đủ lớn để giúp bạn vượt qua những đợt cao điểm căng thẳng cũng như những giai đoạn ế ẩm. Nó giống như một cuộc hôn nhân: khi khó khăn, căng thẳng, bạn phải nghĩ đến lý do tại sao trước kia mình lại nhận lời lấy người ta để làm động lực phấn đấu.

4. Có phải chỗ bạn định kinh doanh đã có quá nhiều cửa hàng hay bị một số cửa hàng lớn chiếm lĩnh rồi không?

Bạn không cần phải có bằng cấp gì cũng có thể nhận ra chỗ mình đã có nhiều cửa hàng hay chưa. Chỉ cần nhìn qua những tờ catalog giới thiệu mà người ta bỏ vào nhà bạn hay dạo một vòng qua những chỗ mua sắm là bạn thấy ngay điều đó. Tuy nhiên, nếu nhiều cửa hàng mà nhu cầu thị trường vẫn lớn thì kiểu gì bạn cũng kiếm được chỗ đứng cho mình.

5. Bạn có thể chuyên về một mặt hàng/dòng sản phẩm không?

Bạn có thể ấp ủ tung ra mặt hàng/dòng sản phẩm chuyên biệt nào đó mà nơi bạn định kinh doanh chưa có. Nó có thể là thời trang đi biển, thời trang size lớn sành điệu hay đồ bằng da/trang sức nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn.

Đi sâu hay chuyên về mặt hàng/dịch vụ nào đó là điều tối quan trọng trong kinh doanh. Và nhiều khi, chỉ cần một chút tinh ý là bạn có thể làm được thế, kiểu như “không nhập quần soóc kaki nếu trong vòng bán kính 10 km quanh chỗ mình có cửa hàng Gap”.

6. Bạn có lợi thế cạnh tranh không?

Tất cả chỉ gói gọi trong một từ “marketing”. Thời điểm này, hãy áp dụng điều mà nhiều người trong ngành thời trang đã đúc kết: “Ngày nay đối thủ của của chúng ta không phải là cửa hàng gần kế bên mà là những siêu thị, những trung tâm thương mại. Tất cả những gì chúng ta bán khách hàng đều có thể tìm thấy ở đó. Do đó, chúng ta phải tìm cách tạo ra sự khác biệt cho mình. Hãy để ý đến loại hình dân cư nơi bạn kinh doanh, tới vị trí và sự thuận tiện, tới các phong cách ăn mặc trong phim ảnh, truyền hình và ngoài đường phố”.

Thị trường mục tiêu

blank

Dù bạn định kinh doanh quần áo đắt tiền hay bình thường thì cũng đừng bao giờ quên thứ làm nên sự khác biệt của bạn so với những chuỗi cửa hàng tên tuổi. Ví dụ, bạn có thể không giảm giá được chiếc quần bò ở cửa hàng mình xuống nhưng bạn lại ăn điểm ở khía cạnh mà người ta gọi là ‘tiền nào của nấy”.

Fred Derring, người sở hữu công ty chuyên hỗ trợ quảng bá cho các cửa hàng bán lẻ nhận định: “Nếu chỉ mua quần áo thì đâu chả giống nhau. Vì thế cái mà người tiêu dùng hướng đến là chất lượng dịch vụ, với thời gian ít ỏi của mình, họ muốn được phục vụ chu đáo nhất. Trong khi đó, ở các siêu thị, trung tâm thương mại, “túm” được nhân viên bán hàng để hỏi đã là may rồi chứ đừng mong được thêm cả sự đon đả, vồn vã”.

“Trái lại, những cửa hàng nhỏ lại đi về chất lượng dịch vụ. Họ hiểu rõ khách hàng của mình và biết họ cần gì. Ngoài ra, họ cũng có những bộ sưu tập độc đáo khiến khách hàng cảm thấy thích thú. Đây chính là những thứ mà khách hàng tìm kiếm ở những cửa hàng nhỏ, độc lập”.

Phụ nữ

Nếu định mở cửa hàng quần áo nữ, chắc bạn đã biết sở thích của những khách hàng nữ vốn “nắng mưa thất thường” và không theo khuôn mẫu nào cả. Tất cả những chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn đều cho rằng nếu định mở cửa hàng quần áo nữ thì điều đầu tiên mà bạn phải làm là xác định xem còn khoảng cách nào giữa nhu cầu thị trường và người bán hay không. Nói cách khác, liệu mặt hàng (giá cả) và đối tượng khách hàng bạn định nhắm đến có khó tìm không? Khi đã xác định được điều này, bạn có thể bắt đầu nhập hàng cho phù hợp.

“Cửa hàng của tôi có điểm gì thu hút chị em phụ nữ?”, đó là câu hỏi mà các chủ shop thời trang phải trả lời được. Tất nhiên, nói thì dễ, làm mới khó và làm thế nào cũng còn tuỳ thuộc vào địa điểm bạn định mở cửa hàng.

Nam giới

Đối tượng khách hàng nam giới cho các cửa hàng quần áo chủ yếu trong độ tuổi từ 18-40, cũng có một số vào hàng ngũ tuần nhưng rất ít. Thường thì họ là người độc thân và có tiền – tuy nhiên không thiếu những người bị bạn gái hoặc vợ lôi đến bắt phải mua quần áo mới. Nếu được chọn, nhiều đàn ông thà nấu nướng, giặt giũ chứ không chịu đi mua cho mình một cái áo vest mới.

Trẻ em

Ngành thời trang trẻ em được coi là một trong những phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của thị trường bán lẻ quần áo.

Đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến không phải là những đứa trẻ mà là bố mẹ của chúng vì quyết định mua hay không vẫn là quyền của bố mẹ – ít nhất là với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Và những ông bố, bà mẹ càng có tiềm lực tài chính thì càng sẵn lòng cho con ăn diện – nếu bản thân họ cũng là người thích mua sắm. Nhưng cũng cần lưu ý rằng không phải ai có tiền cũng tiêu vào những thương hiệu đắt tiền.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu cho kỹ. Nếu ở khu vưc bạn bán hàng người ta toàn đi những chiếc xe cũ, rẻ tiền thì nhiều khả năng họ sẽ tìm mua đồ hạ giá còn nếu ở những nơi sành điệu với những ông bố bà mẹ đi xế hộp, đeo vòng, nhẫn kim cương và ăn mặc toàn hàng hiệu thì chắc chắn sẽ có nhu cầu cho loại thời trang trẻ em đắt tiền.

Chiếm tới 60% doanh số bán quần áo trẻ em là những bộ áo kết hợp quần/váy dễ thương. Hình thù in trên quần áo thì có thể thay đổi liên tục nhưng màu xanh lá cây, xanh dương và hồng nhạt luôn là những màu được chuộng nhất.

Chi phí khởi nghiệp

blank

Mở một cửa hàng quần áo chắc chắn là sẽ tốn kém và theo khuyến cáo của Nancy Standforth, giảng viên bộ môn kinh doanh thời trang của Đại học Bang Oklahoma – người từng sở hữu một cửa hàng thời trang, bạn nên có số vốn khoảng 250.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng). Đừng đứng tim vội, hãy đọc tiếp vì bạn có thể chỉ cần ít hơn thế rất nhiều.

“Bạn có thể không có 250.000 USD nhưng bạn vẫn có thể nghĩ đến việc mở một cửa hàng nếu kiếm được nguồn vay ở đâu đó” – Margi P., chủ một cửa hàng thời trang nam nữ và trẻ em khá thành công ở Redmond (Washington, Mỹ) khẳng định.

Giống như một số người ‘chung thân’ với nghề kinh doanh thời trang mà chúng tôi phỏng vấn, Margie – với thâm niên 23 năm trong ngành – mở cửa hàng chỉ vì muốn nhanh chóng thoát khỏi công việc kinh doanh nhà đất và có thời gian dành cho gia đình. Cửa hàng của cô nằm cùng tòa nhà mà chồng cô mở nhà hàng. Không có chút kinh nghiệm hay vốn liếng gì nhưng ngay khi vay được được 30.000 USD, cô đã bắt tay vào kinh doanh.

Tất nhiên, lao vào kinh doanh trong điều kiện như thế sẽ đi ngược với tôn chỉ của nhiều người, nhất là trong thời đại ngày nay. Nhiều doanh nhân mà chúng tôi phỏng vấn còn không dám mơ tới mở cửa hàng quần áo khi họ chưa có tối thiểu là 50.000 USD. Theo Stanforth thì mức 150.000 USD là tương đối ổn để mở một cửa hàng trong khi Debbie Allen, chủ của một cửa hàng thời trang nữ ở Scottsdale (Arizona, Mỹ) lại cho rằng nên có trong tay 200.000 USD (cho một cửa hàng rộng khoảng 100-150 m2).

Khi nói đến tiền vốn đầu tư cửa hàng thời trang thì mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau nhưng có một sự thật không thể chối cãi là bạn càng có nhiều tiền thì càng dễ làm ăn (ngành nào cũng thế). Như lời Allen thì: “Bạn càng ít vốn thì càng lâu có lãi”.

Nguyên tắc cơ bản

Nếu những con số làm bạn chóng mặt thì bạn có thể sử dụng quy tắc 6% của Dan Paul, chuyên gia tư vấn của công ty tư vấn bán lẻ RMSA: “Mọi người thường gặp rắc rối khi tính toán vì họ không biết tỷ lệ tiền thuê cửa hàng và doanh thu là bao nhiêu thì hợp lý. Trên thực tế, tiền thuê cửa hàng chỉ nên giới hạn ở mức 5-6% tổng doanh thu. Chẳng hạn để trả được18.000 USD/năm tiền cửa hàng thì bạn phải có được 300.000 USD doanh thu/năm.

Hoạt động

blank

Kinh doanh quần áo là công việc không bao giờ buồn chán. Nếu ai đó nghĩ là làm nghề này thì sẽ có thời gian xem ti vi, đọc sách báo thì chắc họ chỉ đoán mò. Còn chúng tôi xin khẳng định rằng bạn sẽ phải ăn, ngủ, sinh hoạt ở cửa hàng, nhất là thời gian đầu.

Robert L., chủ một cửa hàng ở Meridian (Mississippi, Mỹ) khẳng định: “Không có ngày nào giống ngày nào cả”. Thậm chí anh còn không nhớ nổi có lúc nào mình được rảnh rang không nữa. “Mỗi ngày bạn lại có cả đống công việc mới phải làm, nào là quản lý nhân viên, nhận hàng, trưng bày…Phút trước bạn vừa nói chuyện điện thoại với khách hàng thì phút sau bạn đã phải liên hệ với cơ quan quảng cáo. Rồi có lúc bạn phải chúi mũi vào sổ sách để xem tại sao tháng trước mình chi nhiều thế”.

Quy chế hoạt động/bán hàng

Đây sẽ là thứ giúp bạn giữ thăng bằng trong công việc. Khi một cửa hàng đi vào hoạt động, sẽ có vô số vấn đề nảy sinh và chắc chắn bạn sẽ muốn có sẵn một cơ chế để làm căn cứ giải quyết kịp thời những vấn đề đó, tránh những trục trặc, chậm trễ đáng tiếc khiến bạn có thể mất đi nhân viên/khách hàng quan trọng nào đó. Vì thế, hãy ngồi xuống và thảo ra quy chế hoạt động/bán hàng của cửa hàng mình và gửi đến toàn bộ nhân viên. Những quy chế nào liên quan đến khách hàng, chẳng hạn như thanh toán tiền mặt hay thẻ tín dụng, bạn có thể thông tin rộng rãi để khách hàng biết.

Sẽ có rất nhiều thứ cần đến quy chế khi bạn bước vào ngành kinh doanh thời trang, trong đó có những vấn đề liên quan đến thời gian mở cửa, giá cả, hàng ký gửi, mua sản phẩm ngoài ý muốn, cho nợ, đặt cọc, đồ trả lại, những đơn hàng đặc biệt, hư hại, trẻ em trong cửa hàng, loại thẻ tín dụng được áp dụng, gói quà,…

Chúng tôi để thời gian mở cửa ở ngay đầu tiên để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó vì thời gian mở cửa sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của bạn. Không như các trung tâm mua sắm, các cửa hàng thời trang thường mở cửa tối thiểu là 6 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 7 và từ 10 giờ sáng tới 6 – 7 giờ tối, có chỗ mở tới 9 giờ tối hoặc muộn hơn vào một số ngày trong tuần, nhất là thứ 5 và thứ 6. Linh động giờ giấc để có thể phục vụ khách hàng vào buổi trưa hoặc tối muộn cũng là điều nên làm khi bạn tham gia vào ngành này.

Chọn địa điểm

Khi chọn địa điểm để mở cửa hàng, bạn sẽ phải cân nhắc một số yếu tố như: địa điểm đó có đông dân cư không, kinh tế có tốt không và có đối tượng khách hàng phù hợp với sản phẩm của bạn không.

Với hầu hết các cửa hàng đi thuê địa điểm, tiền thuê thường căn cứ trên diện tích và trả theo tháng. Một số chủ nhà tính giá thuê tối thiểu cộng với phần trăm doanh thu bán hàng hàng tháng của người thuê – cao hơn mức đã ấn định trước.

Ngoài tiền thuê nhà và phần trăm doanh thu, nhiều người đi thuê cửa hàng ở một trung tâm mua sắm còn phải trả thêm một loại phí gọi là phí phụ trội. Phí này được tính theo diện tích hoặc theo phần trăm doanh thu và được sử dụng vào quảng cáo cho khu mua sắm cũng như duy tu các cơ sở vật chất xung quanh cửa hàng như chỗ để xe, vỉa hè, đường đi, khu vực nghỉ chân, sân hiên, phòng vệ sinh.

Vì thế, trước khi quyết định chọn địa điểm thuê, hãy thực hiện những bước sau:

1.    Xem trước vài địa điểm rồi mới chọn

2.    Tìm hiểu xem địa điểm có rơi vào diện quy hoạch hay phải tuân thủ quy định nào không

3.    Tính toán nhu cầu để xe

4.    Cân nhắc xem địa điểm có xứng với tiền thuê không

5.    Tìm ra điểm hấp dẫn của địa điểm thuê

6.    Xác định xem nếu thuê địa điểm đó thì có khả năng phát triển không

7.    Tính xem cửa hàng bạn sẽ cần bao nhiêu diện tích

Thuê nhân viên

Số nhân viên mà bạn phải thuê sẽ dao động theo giờ mở cửa và lượng khách hàng nhưng nguyên tắc phổ biến là một cửa hàng khoảng 100 m2 sẽ cần 1 nhân viên toàn thời gian và một nhân viên bán thời gian.

Khi bạn tuyển nhân viên bán hàng, tiêu chí hàng đầu phải là khả năng bán hàng và tính cách. Thoả mãn hai tiêu chí này thì bạn mới có thể hy vọng đào tạo được nhân viên của mình và chắc chắn rằng họ biết chiều khách, biết tư vấn khách mua hàng và biết xử lý mọi tình huống. Bạn cũng sẽ muốn nhân viên của mình nghiêm túc, thật thà để có thể tin tưởng giao cho họ trọng trách thu tiền và ghi sổ sách.

Robert L., một doanh nhân trong lĩnh vực thời trang khẳng định: “Kiểu gì thì bạn cũng phải có tiêu chí tuyển người cụ thể bởi dịch vụ khách hàng rất quan trọng, nó giúp tạo sự khác biệt giữa bạn và các siêu thị”.

Marketing

blank

Có nhiều lý do các doanh nghiệp mới nên quảng cáo cho cửa hàng mình. Tuy nhiên, với mảng kinh doanh quần áo thì tất cả chỉ gói gọn trong mục tiêu: khẳng định dứt khoát với khách hàng rằng mình có nhiều cái hay để họ tìm đến và rằng bạn không thua kém gì những thương hiệu lớn. Nói tóm lại, bạn cần lôi kéo khách đến cửa hàng mình thay vì đến với những đối thủ đã có tên tuổi. Nếu khách hàng tiềm năng của bạn chưa có dịp nào đi ngang qua cửa hàng của bạn thì ít nhất họ cũng có cơ hội được biết đến bạn qua mail và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hãy coi quảng cáo là một cách để bạn tăng doanh thu bán hàng chứ không đơn thuần là một khoản chi. Và đơn vị truyền thông mà bạn chọn phải phù hợp với địa phương của bạn cũng như phải chuẩn bị nội dung, kế hoạch quảng cáo cho thật độc đáo, thật ấn tượng và thật riêng biệt. Hãy cho khách hàng của bạn biết bạn bán sản phẩm gì, có những sự kiện, dịch vụ gì đặc biệt. Bí quyết để quảng cáo của bạn thành công là: đơn giản, ngắn gọn, súc tích và bắt mắt.

Share the Post: