Cách khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ cho trẻ em từ A đến Z

Giới thiệu chung

Hầu hết các bậc cha mẹ không bao giờ tiếc tiền chi cho con cái. Bạn có thể ngần ngại khi mua sắm cho bản thân nhưng lại sẵn sàng nhịn ăn nhịn tiêu để mua cho con những thứ đồ đẹp nhất, tốt nhất trong khả năng của mình. Chỉ tính riêng tại Mỹ, thị trường dành cho các khách hàng nhí đã lên tới 500 tỷ đô. Nếu bạn có một tâm hồn trẻ thơ và niềm đam mê kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp với một trong 5 loại hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cho trẻ em dưới đây.

Có một điều chắc chắn: ngành này không bao giờ thiếu khách. Điều đáng nói là không chỉ có số lượng trẻ em đang gia tăng mà các ông bà, bố mẹ cũng tích cực chi tiêu, mua sắm nhiều hơn cho con cháu mình. Chính bản thân những đứa trẻ cũng có khả năng mua sắm nhiều hơn do đã có những thay đổi về vai trò của chúng trong gia đình, theo đó trẻ có nhiều quyền và nhiều tiếng nói hơn trong việc chi tiêu của gia đình.

Vậy còn khả năng tự mua sắm của trẻ? Theo thống kê của Mỹ, nếu gộp lại thì trẻ từ 4-12 tuổi sẽ chi khoảng 40 tỷ USD tiền tiết kiệm của mình để mua đồ. Với độ tuổi lớn hơn một chút (12-19) con số này là 155 tỷ USD.

Rõ ràng trẻ em ngày nay có nhiều tiền hơn trẻ em của các thế hệ trước rất nhiều. Các nhà kinh doanh biết rõ điều này và chưa bao giờ lại có nhiều chương trình quảng cáo, tiếp thị nhắm vào trẻ em đến thế, không chỉ trên TV mà cả trong nhà trường. Các nhà tâm lý học ước tính trung bình một đứa trẻ xem 40.000 lượt quảng cáo/năm và một đứa trẻ 3 tuổi có thể nhận diện 100 logo thương hiệu.

Điều này có ý nghĩa gì với bạn? Có thể thấy, trẻ em ngày nay là những người tiêu dùng thông thái hơn bao giờ hết. Chúng biết có những loại đồ chơi, sản phẩm nào đang được bán trên thị trường. Để cạnh tranh được, bạn phải bán đúng sản phẩm mà chúng thích. Muốn thế, bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều.Những thông tin dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về xu hướng của một số loại hình kinh doanh sản phẩm/dịch vụ cho trẻ em.

Những xu hướng trong ngành kinh doanh sản phẩm/dịch vụ cho trẻ em

Trong giới hạn bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xu hướng của 5 loại hình kinh doanh sản phẩm/dịch vụ cho trẻ em tiềm năng là tổ chức tiệc, kinh doanh sản phẩm tắm gội và quà tặng em bé, đồ chơi giáo dục, quần áo ngoại cỡ, mở các lớp học nấu ăn cho trẻ. Phần tiếp theo có những phân tích sâu hơn cho từng loại hình kinh doanh.

Tổ chức tiệc

Đây là một lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ nhất là khi nhu cầu thuê tổ chức đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, và những sự kiện quan trọng cho trẻ đang ngày càng gia tăng. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể cho lĩnh vực này nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ còn phát triển hơn nữa xét ở khía cạnh các vị phụ huynh có xu hướng tổ chức tiệc nhiều hơn và tốn kém hơn hơn cho con cái họ.

Các sản phẩm tắm gội và quà tặng em bé

Chỉ tính riêng phạm vi sản phẩm không thôi thì đã có thể thấy đây là một lĩnh vực kinh doanh hết sức tiềm năng. Đơn cử như dòng sản phẩm xà phòng trẻ em mỗi năm đem về cho các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ hơn 80 triệu USD (đó là chưa kể các chuỗi siêu thị lớn như Wal-mart). Trong khi đó, xà phòng mới chỉ là một trong vô số các sản phẩm vệ sinh cho trẻ.

Một phân khúc khác là quà tặng em bé. Theo Cục Thống kê của Mỹ, mỗi năm nước này có 4 triệu em bé chào đời. Nếu nhân con số 4 triệu này với số quà tặng mà trung bình mỗi em bé nhân được, ta sẽ thấy tiềm năng của ngành kinh doanh  này lớn thế nào.

Vì chi tiêu cho các sản phẩm trẻ em tăng dần theo các năm, thị trường sản phẩm tắm gội và quà tặng trẻ em hứa hẹn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong tương lai gần.

Game và đồ chơi giáo dục

Theo ước tính của Hiệp hội Đồ chơi Trẻ em Hoa Kỳ, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp đồ chơi truyền thống (không bao gồm các máy chơi game và trò chơi điện tử cầm tay) là 22 tỷ USD, gần một nửa trong số đó tập trung vào những dịp lễ. Những trò chơi trí tuệ, logic như cờ rất được ưa chuộng. Tại Mỹ có loại cờ gọi là Cranium (kết hợp của nhiều trò chơi phổ biến hiện nay như xúc xắc, trắc nghiệm, giải đố…). Sau tám năm ra đời, trò chơi tập thể này cùng những phiên bản mới của nó đã bán hơn 15 triệu bộ với 10 ngôn ngữ khác nhau tại 30 quốc gia.

Những trò chơi giáo dục khác như máy học chữ LeapFrog cũng rất phổ biến. Theo các chuyên gia phân tích trong ngành, trong bối cảnh các ông bố bà mẹ ngày càng chú trọng bồi dưỡng, phát triển trí tuệ cho con em mình thông qua những hoạt động có ý nghĩa, thị trường đồ chơi giáo dục sẽ chỉ có tiếp tục đi lên.

Quần áo ngoại cỡ cho trẻ

Tình trạng trẻ thừa cân đã và đang trở thành một vấn nạn trong xã hội ngày nay. Theo một điều tra về dinh dưỡng và sức khỏe, một phần ba trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ đang hoặc sắp bị béo phì. Cân nặng của trẻ mới sinh cũng lớn hơn trước kia. Chính vì thế, nhu cầu mua sắm những quần áo, đồ dùng quá khổ cho trẻ hiện đang lớn hơn bao giờ hết.

Công ty nghiên cứu sản phẩm trực tuyến Marketresearch.com của Mỹ cho biết doanh thu từ các mặt hàng quần áo bé gái/nữ quá khổ là 47 tỷ USD, chiếm gần 40% doanh thu từ các mặt hàng quần áo nữ và 27% tổng doanh thu của cả ngành thời trang may mặc. Còn với nam, con số này 29 tỷ USD, chiếm 50% doanh thu từ các mặt hàng quần áo nam và hơn 16% tổng doanh thu của cả ngành thời trang may mặc. Điều đáng nói là thị trường cho các sản phẩm quá khổ này chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong thời gian tới.

Theo ước tính của tập đoàn NPD, 31% bé trai và 38% bé gái trong độ tuổi từ 9-12 phải mặc quần áo cỡ người lớn. Trong khi đó, những kiểu quần áo quá khổ kiểu cách, đáng yêu vẫn còn rất khan hiếm trên thị trường và chưa đáp ứng được nhu cầu của cả những đứa trẻ và phụ huynh của chúng.

Lớp học nấu ăn cho trẻ

Các bậc cha mẹ thường muốn con mình được phát triển toàn diện và lớn lên biết đỡ đần cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều người không có thời gian hoặc cảm thấy không đủ khả năng để day con họ những kỹ năng cơ bản. Vì thế, họ ngày càng có xu hướng cho con mình tham gia các lớp học nấu ăn, may vá, làm mộc và thậm chí cả các lớp dạy về nghi thức xã giao. Phổ biến nhất vẫn là các lớp dạy nấu ăn và các sản phẩm bếp núc cho trẻ.

Sự nở rộ của các chương trình nấu ăn trên truyền hình và những quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, chế biến thực phẩm để đối phó với tình trạng béo phì ở trẻ em cũng dấy lên làn sóng cho con vào bếp tại các hộ gia đình. Theo Food Network, những đầu bếp truyền hình như Rachael Ray thu hút giới trẻ còn nhiều cả những người 35-45 tuổi.

Những tố chất cần thiết

Bạn có những tố chất cần thiết để tham gia những loại hình kinh doanh này không? Chắc chắn rằng một người kinh doanh sản phẩm/dịch vụ dành cho trẻ em phải là người biết yêu thương, chăm sóc trẻ. Ngay cả khi bạn không tiếp xúc với chúng hàng ngày, bạn vẫn phải biết sở thích của chúng là gì và trân trọng suy nghĩ, hành động của chúng.

Ngoài tình yêu trẻ, tùy theo lĩnh vực kinh doanh mà bạn định tham gia, bạn có thể cần thêm những đức tính sau:

Kiên nhẫn: Làm việc với trẻ em bạn cần phải kiên nhẫn, ngay cả trong điều kiện bình thường. Việc trẻ bẳn gắt, cáu kỉnh không phải là điều hiếm gặp, đó là chưa kể những vấn đề về hành vi, cá tính, mức độ nghịch ngợm và khả năng tập trung. Nhìn chung, bạn phải có đủ kiên nhẫn để “chiến đấu” tới cùng.

Linh hoạt: Bạn phải có khả năng để giải quyết mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Khiếu chơi với trẻ: Trẻ em thích sống trong thế giới của những điều kỳ thú và bất ngờ. Hãy cố gắng khám phá thế giới đó cùng với chúng. Điều này cực kỳ quan trọng với những ai chuyên thiết kế đồ chơi, quà tặng cho trẻ.

Đồng cảm: Bạn còn nhớ những cảm giác của mình khi còn là đứa trẻ không? Nếu bạn đặt được mình vào địa vị của những khách hàng trẻ tuổi bao nhiêu, việc kinh doanh của bạn sẽ bền vững bấy nhiêu.

Năng động và bền bỉ: Như mọi loại hình kinh doanh khác, sự năng động, bền bỉ ở đây là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của bạn. Kinh doanh là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và không có gì lạ khi bạn phải làm 70-80 giờ/tuần, thậm chí còn lâu hơn, trong năm đầu tiên.

Ngoài những đức tính trên, bạn sẽ cần nắm được các kỹ năng và kinh nghiệm để điều hành doanh nghiệp, nhất là khi bạn định làm một mình. Trường hợp tuyển thêm nhân viên, bạn hãy cố gắng tìm những người có những kỹ năng bổ sung cho bạn chứ đừng trùng với bạn.

Như một quy luật tất yếu, bạn phải có kinh nghiệm với sản phẩm/dịch vụ mà bạn định bán và có thể cần cả những kiến thức chuyên môn sau:

Tiếp thị/kinh doanh: Bạn không nhất thiết phải có bằng cấp, chứng chỉ về nghề này nhưng bạn bắt buộc phải biết bán hàng hoặc tuyển được người biết bán hàng.

Quan hệ công chúng: Bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng phải có những hiểu biết sơ đẳng về quan hệ công chúng cũng như cách xử sự các đơn vị truyền thông, báo chí.

Làm sổ sách kế toán: Nếu chưa có người làm những việc này, hãy cân nhắc tuyển thêm người. Còn nếu muốn tự mình làm, bạn sẽ phải có kinh nghiệm từ trước hoặc đã từng tham gia một lớp kế toán.

Quản lý: Có thể lúc đầu bạn sẽ chưa cần phải có kỹ năng này vì chưa có nhân viên. Thế nhưng nó sẽ dần trở nên quan trọng hơn khi doanh nghiệp bạn phát triển. Nhân viên càng nhiều thì bạn càng mất thời gian cho các công việc quản lý. Thường thì bạn chỉ cần có kinh nghiệm, không cần bằng cấp, là có thể quản lý được một số lượng nhân viên nho nhỏ.

Thiết kế: Nếu bạn định tự mình thiết kế sản phẩm, bạn sẽ cần một số kinh nghiệm liên quan, nhất là kinh nghiệm về sản phẩm bạn định thiết kế.

May/nghệ thuật/thủ công: Để kinh doanh quần áo quá khổ, đương nhiên bạn phải có chút kỹ năng may vá để có thể gia công, chỉnh sửa sản phẩm theo ý muốn của khách hàng

Giảng dạy: Nếu định mở lớp dạy nấu ăn, bạn cần phải có kỹ năng truyền đạt. Nếu đã tham gia một khóa đào tạo chuyên sâu về nấu ăn và được cấp bằng thì càng tốt. Còn nếu không cũng không sao. Điều quan trọng nhất là bạn phải có một chút kinh nghiệm thực tế để làm vốn giắt lưng.

Nấu ăn: Lẽ thường, bạn muốn dạy nấu ăn thì bạn phải có kinh nghiệm về nấu ăn, ngay cả khi kinh nghiệm đó là tự đúc kết chứ không phải qua đào tạo chính quy. Thậm chí nếu bạn thuê giáo viên ngoài, bạn vẫn cần nắm được những kiến thức nấu ăn cơ bản.

Tổ chức sự kiện: Kinh nghiệm tổ chức sự kiện là không gì có thể thay thế được. Để quen việc, bạn nên cân nhắc tham gia làm tình nguyện viên trong những sự kiện dành cho trẻ em hoặc làm bán thời gian tại một đơn vị chuyên tổ chức sự kiện.

Phân khúc thị trường

Trong 5 loại hình kinh doanh trên, một số sẽ có thêm phân khúc thị trường để bạn chọn lựa. Một số khác bản thân nó đã là một phân khúc thị trường vốn đã rất hẹp rồi nên không cần phải chia nhỏ hơn nữa.

Tổ chức tiệc cho trẻ em

Bạn biết mình cần phải chuyên sâu vào một phân khúc thị trường để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng bạn sẽ phải tìm phân khúc đó ở đâu?

Có lẽ ngay lập tức, bạn chưa thể có câu trả lời. Thay vào đó, bạn hãy thử tổ chức các loại tiệc khác nhau để xem loại nào phù hợp với mình nhất và được sự ủng hộ của khách hàng nhất. Cách này sẽ giúp bạn không bị rơi vào tình trạng ế khách.

blankKhi bạn đã có tiếng tăm, bên cạnh loại tiệc thế mạnh của mình, bạn nên nhận tổ chức các loại tiệc khác, thậm chí cả tiệc dành cho người lớn vì nếu thị trường không đủ lớn, việc giới hạn ở một phân khúc thị trường nhỏ sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Hiểu được điều này, bạn sẽ biết chỉ nên tập trung 50% vào phân khúc thị trường chính của mình và phải mở rộng ra các phân khúc khác. Dưới đây là một số phân khúc thị trường tiềm năng để bạn tham khảo.

Tiệc thông thường: Là loại tiệc phổ biến, có đồ uống, bánh kẹo, phù hợp với các cô bé, cậu bé có tuổi từ 3-9.

Tiệc làm đẹp: Với loại tiệc này, các cô bé từ 10 tuổi trở nên được giải trí bằng cách đi làm tóc, trang điểm, làm móng, đắp mặt, matxa….

Tiệc lễ tết: Tiệc giáng sinh là loại phổ biến nhất, nhưng ngoài ra thì còn có rất nhiều dịp nghỉ lễ khác có thể tổ chức tiệc. Với loại này, bạn sẽ phải chọn khu vực dân cư có thu nhập dư dả một chút.

Các bữa tiệc học đường: tiệc ra trường, tiệc kỷ niệm ngày thành lập trường, tiệc liên hoan lớp, liên hoan khoá,… có thể là phân khúc thị trường tiềm năng ở những nơi có nhiều trường học.

Nếu bạn chọn một phân khúc thị trường để thử, hãy lưu ý một phân khúc có thể phổ biến với khu vực này nhưng lại không phù hợp với khu vực khác. Vì thế, hãy tìm hiểu thông tin cho kĩ. Bạn có thể hỏi các các chuyên gia trong những lĩnh vực phụ trợ – các nhiếp ảnh gia, người bán hoa, người cung cấp đồ ăn chẳng hạn. Họ sẽ biết loại sự kiện nào hay được tổ chức tại địa phương của họ. Thậm chí họ có thể tư vấn cho bạn những người biết rõ về địa bàn để bạn có thể đến gặp và trao đổi.

Ngoài ra, bạn có thể phỏng vấn những khách hàng tiềm năng, những khách hàng có thu nhập cao. Các phòng mạch và phòng luật là nơi bạn có thể bắt đầu thu thập thông tin.   Bạn cũng có thể tham gia các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp địa phương để tiếp cận với những doanh nhân giàu có. Nếu bạn nói rằng bạn đang tiến hành nghiên cứu thị trường và chỉ đặt tối đa là 4 câu hỏi, mọi người chắc chắn sẽ hợp tác với bạn.

Các sản phẩm tắm gội và quà tặng em bé

Tạo ra một sản phẩm để thoả mãn nhu cầu bản thân là một cách để bạn tìm ra phân khúc thị trường phù hợp với mình. Nicole Donnelly là một ví dụ. Có thời gian cô ngừng cho con mình đóng bỉm để các vết hăm bay hết. Tuy nhiên, cô phải tìm cách để giữ ấm cho chân bé và bảo vệ phần đầu gối khi bé bò. Thế là cô cắt đầu những đôi tất của mình ra để làm cái ủ chân cho bé. Ý tưởng của Nicole lập tức đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của các bà mẹ trẻ và cô bán được 100 cặp sản phẩm chỉ trong vòng hai tuần. Năm 2005, Nicole quyết định mở công ty BabyLegs tại Seattle để kinh doanh sản phẩm ủ chân.

Nhìn chung, với sản phẩm tắm gội và quà tặng em bé, bạn có thể chọn những phân khúc sau:

Đồ dùng thủ công: album ảnh, đồ đan lát, may vá, mộc, đồ trang sức

Phụ kiện: túi xách, túi đựng đồ, ba lô, mũ nón, khăn choàng, bao tay, đồ phụ kiện cho tóc

Hộp đựng đồ: hộp đựng mũ nón, đồ trang sức, đồ mỹ ký hoặc hộp nữ trang

Trang sức: trang sức cho những dịp quan trọng, trang sức thường ngày, trang sức đôi, đồ trang trí cho ba lô, túi xách

Đồ cho bé mới chào đời: Chăn, áo, album ảnh

Phụ kiện phòng ngủ: khung ảnh, sổ tay, thùng rác, phụ kiện để bàn

Đồ dùng cá nhân: Bất cứ sản phẩm nào ở trên cũng có thể đưa vào mục này!

Các vật phẩm địa phương/văn hóa thế giới: các loại búp bê dân tộc, đồ chơi, game từ khắp nơi trên thế giới

Sản phẩm hữu cơ: dầu gội, kem dưỡng da, tẩy tế bào chết, sản phẩm tạo bọt cho bồn tắm

Để tìm ra được phân khúc phù hợp, bạn phải ra ngoài tìm hiểu, nghiên cứu thật nhiều. Hãy xem có hội chợ, triển lãm quà tặng nào bạn có thể tham dự không. Thường thì các sự kiện thương mại như thể hay được tổ chức ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu may mắn, bạn có thể tìm được những sự kiện tổ chức tại địa phương mình.

Đồ chơi giáo dục

Cho dù bạn bán đồ chơi sản xuất hàng loạt hay đồ chơi thủ công do mình tự làm, bạn cũng nên nhớ rằng đồ chơi giáo dục bản thân nó đã là một phân khúc thị trường rõ ràng. Tuy nhiên, nếu có ít vốn và có phạm vi đối tượng khách hàng rộng, bạn có thể chuyên sâu vào một trong những phân khúc nhỏ hơn dưới đây:

Nhóm tuổi: em bé, trẻ mầm non, trẻ tiểu học, trẻ từ 8-12 tuổi, thiếu niên (13-19 tuổi)

Loại kỹ năng: kỹ năng vận động, kỹ năng nhận biết chữ cái, kỹ năng đọc, kỹ năng phối hợp tay và mắt, kỹ năng nhận thức

Loại hoạt động: đồ chơi, game, giải đố, sáng tạo, thể thao, phối đồ

Vật liệu, đồ dùng: giấy, bàn cờ, đồ để xếp, tạo hình, bàn phím

Quần áo quá cỡ cho trẻ

Khi LeRona Johnson mở cửa hàng thời trang ngoại cỡ dành cho thanh thiếu niên tại Chicago vào năm 2006, cô đã có nhiều kinh nghiệm thương đau trong việc chọn quần áo đúng ý thích của con mình. Với một cô bé 15 tuổi, các cửa hàng thời trang ngoại cỡ người lớn không phải là một lựa chọn phù hợp cả về chất vải lẫn phong cách. Bản thân con gái Johnson cũng nhất định không chịu đến những cửa hàng đó với lý do “Đấy là cửa hàng dành cho mẹ chứ có phải cho con đâu”. Các cửa hàng quần áo ngoại cỡ trẻ em thì vô cùng hiếm hoi và nếu có cũng chỉ lơ thơ vài sản phẩm.

Chính vì thế, trong cửa hàng của mình, Johnson bày bán những loại quần áo mà con gái cô muốn mặc. Những sản phẩm mang phong cách trẻ trung, đáng yêu của cô được khách hàng ủng hộ nhiệt tình. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy thật hạnh phúc mỗi khi khách hàng nói họ muốn tìm những cửa hàng như thế này từ lâu rồi. Một khách hàng ở rất xa cũng chịu khó mỗi tháng một lần đến đây để mua đồ cho con gái vì không tìm được cửa hàng nào khác tương tự ở gần hơn”.

Bí quyết ở đây là gì? Theo Johnson, đó là tạo ra sự khác biệt. Cô chia sẻ: “Bạn phải thật  sự sở hữu được phân khúc thị trường. Bạn phải làm cái mà ai chưa làm nếu không đối thủ cạnh tranh – các cửa hàng lớn hơn – sẽ đè bẹp bạn bất cứ lúc nào”.

Nếu bạn bạn định  may quần áo theo đơn đặt hàng của khách, con đường kinh doanh của sẽ còn thênh thang hơn nữa. Sarah Doyle, một nhà thiết kế kỳ cựu cho biết mặc dù là kinh doanh quần áo ngoại cỡ nhưng ngành này lại quá nhỏ bé so với nhu cầu.

Lớp học nấu ăn cho trẻ

Đây là loại hình dịch vụ mới nhưng cũng không quá xa lạ với các bậc cha mẹ. Với loại hình này, điều quan trọng là làm cho các vị phụ huynh móc ví trả tiền chứ không phải là tìm thị trường ngách hẹp hơn. Một điểm nữa cần lưu ý là thời gian tổ chức lớp phải hợp lý (vì phần lớn thời gian của trẻ là ở trường).

Tuy nhiên, điểm thuận lợi là bạn có thể sáng tạo chương trình học một cách thoải mái. Chẳng hạn như mở lớp học nấu ăn phong cách Harry Porter. Hãy trao đổi với phụ huynh (bắt đầu từ bạn bè và người quen của bạn) về ý muốn của họ trong việc tổ chức lớp.

Chi phí khởi nghiệp

blankTổ chức tiệc cho trẻ

Chi phí khởi nghiệp của bạn sẽ dao động rất nhiều tùy theo địa điểm, chi phí bảo hiểm và loại thiết bị bạn đầu tư. Chúng ta hãy thử xem chi phí khởi nghiệp của hai doanh nghiệp giả định sau đây để có một hình dung tương đối về khoản tiền bạn sẽ phải bỏ ra. Doanh nghiệp đầu tiên là doanh nghiệp quy mô nhỏ, tại gia và không có nhân viên.

Chủ duy nhất của doanh nghiệp này đã có sẵn máy tính, mạng internet, máy in/máy photocopy/fax, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và nội thất văn phòng. Cô ấy dùng vốn khởi nghiệp của mình để mua bảo hiểm trách nhiệm, phần mềm tổ chức sự kiện và danh thiếp. Cô cũng đầu tư xin giấy phép, đóng thuế và thuê một người thiết kế trang web. Tổng chi phí khởi nghiệp của cô ấy là 3.520 USD.

Doanh nghiệp thứ hai là một công ty TNHH có quy mô lớn có văn phòng rộng 70 m2 tại một thành phố lớn. Chủ doanh nghiệp đó là một nhà tổ chức sự kiện toàn thời gian và một kế toán bán thời gian. Để bắt tay vào kinh doanh, cô ấy phải nâng cấp máy tính, mua đồ nội thất văn phòng, lắp đặt một đường dây điện thoại và thuê thiết kế một trang web chuyên nghiệp. Số tiền còn lại, cô đầu tư in danh thiếp, mua văn phòng phẩm và quảng cáo trên những trang vàng. Tổng chi phí khởi nghiệp của cô là 29.183 USD.

Sau 1-2 năm đầu, hai doanh nghiệp này bắt đầu có thu nhập. Lãi trước thuế của họ lần lượt là 70.000 USD và 200.000 USD.

Thế còn bạn thì sao? Bạn sẽ kiếm được bao nhiêu trong năm đầu kinh doanh? Có thể là không đáng kể. Hãy nhớ rằng công việc kinh doanh này có thể phải mất 2-3 năm mới sinh lời. Tại sao ư? Vì nó có khách hay không là nhờ chính những người đã trải nghiệm dịch vụ giới thiệu cho người khác và quá trình này phải mất thời gian tương đối.

Các sản phẩm tắm gội và quà tặng em bé

Chi phí khởi nghiệp cho loại hình doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào sản phẩm bạn định nhập bán, nơi bạn định mở cửa hàng và số thiết bị bạn định mua.

Số tiền thu được trong những lần bán hàng đầu tiên của Nicole Donnelly (chủ yếu cho bạn bè và người quen) chỉ đủ để cô mua tất mới và cắt thành sản phẩm ủ chân. Khi cô quyết định làm ăn lớn và thuê gia công ở nước ngoài, chi phí của cô cũng tăng lên theo. Với giá thành 3 USD/đôi cho đơn hàng tối thiểu là 500 đôi, cô phải bỏ ra 1.500 USD phí đầu tư ban đầu. Các chi phí khác của cô rất ít vì cô làm tại nhà.

Trường hợp của bạn thì sao? Liệu bạn sẽ kiếm được bao nhiêu trong trong năm đầu tiên kinh doanh các sản phẩm sữa tắm, dầu gội và quà tặng em bé? Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số hàng bạn bán được và cả số tiền bạn định bỏ ra để tái đầu tư. Như Nicole Donnelly, cô chỉ mất một năm rưỡi để có lợi nhuận vì công ty cô làm ăn rất phát đạt. Trong một số trường hợp, việc kinh doanh phải rất lâu mới sinh lời.

Ngoài ra, nếu bạn bán những sản phẩm được ưa chuộng tại khu vực có nhiều hội chợ diễn ra, bạn có thể kiếm khoảng 40.000 USD ngay trong năm đầu tiên.

Game và đồ chơi giáo dục

Rất khó để tính chi phí khởi nghiệp cho loại hình kinh doanh này vì nó dao động rất nhiều tùy theo chủng loại và cách thức bạn bán hàng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp tại gia với một lượng hàng tương đối phải mất chi phí từ 4.000 – 10.000 USD để khởi nghiệp. Số tiền thậm chí có thể cao hơn nếu bạn nhập thêm hàng, mua thêm thiết bị và xây dựng thêm trang web.

Với doanh nghiệp tự thiết kế đồ chơi, thuê gia công đồ chơi đó tại nước ngoài và bán cho những nhà bán lẻ, chi phí khởi nghiệp – bao gồm tiền nhập hàng, đăng ký bằng sáng chế, bảo hộ thương hiệu, các giấy phép, thuế, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, vật tư đóng gói –  có thể lên đến 7.400 USD (chưa kể tiền thiết kế website và trang thiết bị văn phòng).

Còn với một cửa hàng bán đồ chơi giả định rộng 50 m2, có một nhân viên bán thời gian, chi phí khởi nghiệp sẽ bao gồm tiền thuê cửa hàng, sắm đồ dùng, nhập hàng, phí dịch vụ điện nước, bảo hiểm, quảng cáo, PR (chưa có website). Tất cả những thứ đó cộng gộp lại là 44.330 USD.

Trường hợp của bạn thì sao? Liệu bạn sẽ kiếm được bao nhiêu trong trong năm đầu tiên? Tương tự như các lĩnh vực trên, thu nhập từ kinh doanh đồ chơi dao động rất nhiều. Mức lợi nhuận bạn có được sẽ phụ thuộc vào cách bán hàng của bạn, số hàng bán được và số tiền bạn định bỏ ra để tái đầu tư.

Quần áo ngoại cỡ

Lerona Johnson, chủ thương hiệu thời trang MerriBella, cho biết chi phí khởi nghiệp của cô là 20.000 USD, “trong khi những người mà tôi biết thì phải chi gần 50.000 USD”. Bí quyết của cô là gì? Cô phải mất 4 năm để lên kế hoạch và thương thảo để có được những mức giá ưu đãi nhất về hàng nhập, thiết bị và đồ nội thất. Bằng cách tìm kiếm các cửa hàng và đồ nội thất thanh lý, cô đã tiết kiệm được hàng ngàn đô la chi phí khởi nghiệp.

Cô cũng rất chú trọng việc chi tiêu hợp lý và hiệu quả. “Điều quan trọng là hàng nhập phải rẻ và đẹp. Đây là chìa khóa cho mọi thành công”. Theo đó, Johnson đã dành một nửa số tiền khởi nghiệp của mình (10.000 USD) để nhập những sản phẩm thời trang đẹp nhất.  Một thời gian dài trước khi khai trương, cô lùng sục hàng giảm giá của các cửa hàng sắp đóng cửa trên địa bàn. Thế nên hàng của cô nhập về thường rất chọn lọc nhưng giá lại chỉ bằng một phần so với mức thông thường.

Theo Sarah Doyle, một chuyên gia trong ngành, mức đầu tư cho công việc kinh doanh quần áo thiết kế theo yêu cầu tại nhà là “rất nhỏ”. Nếu bạn thuê mặt bằng tại những trung tâm thương mại, chi phí đương nhiên sẽ cao hơn.

Thu nhập từ kinh doanh quần áo thiết kế theo yêu cầu không chỉ phụ thuộc vào thành phẩm bạn may được mà còn vào tiến độ bạn may thành phẩm đó. Đã thành quy luật, các sản phẩm thời trang sang trọng sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Và nếu bạn mở rộng công việc kinh doanh cũng như thuê thêm người, thu nhập của bạn sẽ còn tăng nữa.

Lớp học nấu ăn cho trẻ

Với lĩnh vực này, chi phí khởi nghiệp cũng dao động rất nhiều. Yếu tố có ảnh hưởng chi phối nhất là chi phí quản lý chung, tiếp theo là số lượng học viên và mức học phí.

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xem chi phí khởi nghiệp của hai doanh nghiệp giả định sau. Doanh nghiệp đầu tiên hoạt động tại nhà không có nhân viên. Người chủ duy nhất đã có một nhà bếp nhà đầy đủ tiện nghi. Cô ấy cũng có máy tính, mạng internet, máy in/máy photocopy/fax, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và nội thất văn phòng.

Cô ấy không có nhu cầu xin cấp giấy phép chuyên môn và chưa có trang web. Cô bỏ vốn của mình để mua bảo hiểm trách nhiệm, tạp dề trẻ em, dụng cụ nhà bếp, nguyên liệu và làm quảng cáo. Cô cũng chi cho các giấy phép thông thường và các loại thuế. Để khởi nghiệp kinh doanh, cô chỉ tốn 3.080 USD.

Doanh nghiệp thứ hai là một công ty TNHH. Văn phòng của doanh nghiệp này (trướcvốn là một nhà hàng nhỏ) có diện tích 80 m2. Nhân viên là một giáo viên toàn thời gian và một người giúp việc bán thời gian. Mặc dù đã có các thiết bị, dụng cụ chính và đường ống dẫn nước đã có sẵn, người chủ doanh nghiệp vẫn phải mua một bộ bếp kèm lò nướng (không phải là loại lò công nghiệp), đồ dùng nhà bếp, nguyên liệu, ba chiếc bàn học và 12 chiếc ghế.

Cô cũng lắp đặt một đường dây điện thoại, trả tiền điện nước và thuê thiết kế một trang web chuyên nghiệp. Cô không cần đến thiết bị văn phòng, ngoại trừ một tủ hồ sơ. Cô phải chi tiền mua bảo hiểm trách nhiệm, xin cấp phép chuyên môn và các giấy phép thông thường khác, đóng thuế. Cô đầu tư in brochure và quảng cáo. Chi phí khởi nghiệp của cô xấp xỉ 20.820 USD.

Doanh nghiệp đầu tiên chỉ có 3 học viên/lớp vì diện tích bếp chỉ đủ cho 4 người còn doanh nghiệp thứ hai thì nhận được trung bình 6 học viên/lớp. Sau 1-2 năm đầu, hai doanh nghiệp này lần lượt đạt doanh thu 60.000 USD và 240.000 USD.

Trường hợp của bạn thì sao? Liệu bạn sẽ kiếm được bao nhiêu trong trong năm đầu tiên? Theo Julia Jordan, một chuyên gia trong ngành, bạn sẽ không thể lập tức có lãi. Tại sao vây? Cũng tương tự như các doanh nghiệp dịch vụ khác, lượng khách hàng của bạn sẽ phụ thuộc việc khách hàng có chịu truyền tai nhau hay không.

Share the Post: