Bún đậu mắm tôm – món ăn khoái khẩu
Bún đậu mắm tôm là món ăn khá nổi tiếng ở Hà Nội nhưng giá cả lại bình dân với khoảng 25.000 đồng mỗi suất. Một suất bún đậu gồm có một đĩa bún, một đĩa đậu phụ rán, một vài cọng rau sống và một bát mắm tôm có pha chế chanh, đường.
Với những bí quyết pha chế mắm tôm riêng của mỗi hàng bún đậu, món mắm này không còn vị tanh mà trái lại, có hương vị thơm ngon hấp dẫn. Vì vậy, bún đậu mắm tôm là món ăn được rất nhiều người ưa thích. Chính vì là món ăn khoái khẩu của nhiều người nên một vài năm trở lại đây, quán bún đậu mọc lên khắp các khu dân cư, ngõ phố, cơ quan… trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều người nắm bắt được xu thế này đã kiếm được bộn tiền nhờ kinh doanh bún đậu mắm tôm. Cô Nguyễn Thị Mẫn, chủ cửa hàng bún đậu trên phố Trần Đại Nghĩa chia sẻ: “Bán bún đậu không cần đầu tư nhiều vốn, quan trọng phải có địa điểm rộng, bún và đậu ngon, giá cả hợp lý”.
Cô cho biết mình đã có thâm niên 10 năm bán bún đậu ở khu vực này. Khách hàng của cô chủ yếu là sinh viên các trường đại học Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân… nên cô chỉ bán giá bình dân.
Trên khắp các phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy hay phía Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, chợ Kim Liên, Chợ Nghĩa Tân… hàng bún đậu nào cũng đông cứng khách. Ít người biết rằng, thu nhập của những cửa hàng bún đậu này lên tới tiền triệu mỗi ngày.
Phân bổ nguồn vốn
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ với các thành viên cách thức mở một cửa hàng bún đậu bình dân với số vốn 50 triệu đồng. Nếu công việc kinh doanh thuận lợi, chỉ sau một tháng bạn có thể thu hồi vốn. Sau đây là cách phân bổ nguồn vốn 50 triệu để chuẩn bị cho một cửa hàng bún đậu.
– Chi phí thuê cửa hàng: 4 triệu/tháng, thuê 6 tháng mất 24 triệu đồng.
– Chi phí mua bàn ghế, đồ bếp, bát đũa: 12 triệu
– Chi phí nguyên liệu: 5 triệu
– Chi phí phát sinh: 5 triệu
– Vốn dự trù: 4 triệu
Các bước tiến hành
Bước 1: Tìm nguồn nguyên liệu
Với bất kì hàng ăn nào, nguyên liệu tươi ngon luôn được khách hàng quan tâm hàng đầu. Bún đậu mắm tôm có 4 loại nguyên liệu chính là bún, đậu, rau thơm và đặc biệt là mắm tôm, người bán hàng phải có kinh nghiệm lựa chọn những đầu mối cung cấp hàng chất lượng.
Bún ăn kèm với đậu là bún bánh, bún trắng, sợi nhỏ và mềm. Đậu ngon nhất là đậu mơ, khi rán lên phải thơm vàng, giòn tan. Mắm tôm phải mới, khi pha lên phải thơm ngon, dậy mùi. Rau thơm, đặc biệt là rau kinh giới phải tươi và sạch.
Bác Lâm Thị Quế, chủ cửa hàng bún đậu mắm tôm trên phố Đại La – Minh Khai cho biết: “Khách hàng đều là những người rất sành ăn, do vậy tôi chọn đậu mơ, loại đậu vừa mềm mịn, vừa thơm. Riêng bún, tôi đặt ở làng Phú Đô, Mỹ Đình. Nhờ có nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, nên quán tôi lúc nào cũng đông khách, có hôm không còn chỗ để ngồi”.
Ngoài ra, dầu ăn để rán đậu cũng là một vấn đề rất quan trọng. Nhiều cửa hàng ham rẻ sử dụng những can dầu ăn không rõ nguồn gốc, chất lượng kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng.
Cô Lê Thị Thu, chủ của hàng bún đậu khu vực chợ Nghĩa Tân cho biết: “Cửa hàng bún đậu của cô 100% sử dụng dầu ăn Tường An, giá đắt một chút nhưng rất đảm bảo vệ sinh. Làm ăn phải trung thực và đặt khách hàng lên trên hết, như vậy khách họ mới đến với mình”.
Bước 2: Thuê địa điểm
Với nguồn vốn hạn hẹp, chi phí thuê cửa hàng khoảng 4 triệu đồng/tháng, bạn cần suy nghĩ kỹ và dành thời gian đi tìm địa điểm hợp lý nhất. Hãy ưu tiên những khu vực có nhiều cơ quan công sở, trường đại học, giao thông thuận lợi, đặc biệt là có vỉa hè và tiện chỗ để xe.
Nhiều cửa hàng bún đậu mắm tôm mọc lên trong ngõ nhưng gần chợ, cạnh trường đại học… lúc nào cũng đông kín khách bởi khu vực này rất đông sinh viên và dân công sở. Sau đây là một số gợi để bạn tìm thuê địa điểm:
– Chọn cửa hàng nhỏ, phù hợp với quy mô vốn 50 triệu
– Ưu tiên gần chợ, các cơ quan công sở, trường đại học…
– Ưu tiên quán có vỉa hè rộng, có chỗ để xe…
Bước 3: Mua sắm đồ đạc
Mở cửa hàng bún đậu bình dân, bạn chỉ cần mua sắm những đồ đơn giản. Nếu biết cách mua bàn ghế nhựa thanh lý sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Sau đây là một số gợi ý khi mua sắm đồ đạc cho cửa hàng bún đậu:
– Bàn nhựa Song Long 15 chiếc, giá 105.000/chiếc;
– Ghế nhựa Song Long: 60 chiếc, giá 20.000/chiếc;
– Đĩa bày đậu và bún: 120 chiếc, giá 5 nghìn đồng/chiếc;
– Bát con pha mắm tôm, nước chấm: 60 chiếc, giá 2 nghìn đồng/chiếc;
– Rổ nhựa nhỏ đựng quất, rau thơm: 100 chiếc, giá 3 nghìn đồng/chiếc;
– Bếp gas, 2 chảo lớn, đũa, kéo cắt bún và đậu, mẹt đựng bún…
Bước 4: Khai trương cửa hàng
Để nhiều người biết đến cửa hàng bún đậu của bạn, khi chuẩn bị khai trương bạn hãy cho người phát tờ rơi khu vực quanh cửa hàng. Đừng quên có những chính sách giảm giá hấp dẫn.
Sau đây là một số gợi ý để bạn thu hút khách hàng:
– Phát tờ rơi giảm giá 10-15% cho ngày đầu khai trương;
– Giảm 20% cho nhóm đi từ 5 người trở lên;
– Tặng kèm trà đá, trà nóng hoặc kẹo cao su cho khách đến ăn.
Theo khảo sát, mỗi suất bún đậu chỉ gồm bún, đậu và mắm tôm đã có giá 25.000 đồng. Một kg bún có giá khoảng 10.000 đồng. Mỗi kg bún có thể chia ra cho ít nhất 5 suất, tính ra chỉ 2.000 tiền bún/một suất bún đậu mắm tôm. Mỗi suất bún đậu có hai bìa đậu phụ rán giòn (khoảng 2.000 đồng/một bìa đậu), tính ra hết chưa đến 5.000 đồng tiền đậu.
Cộng thêm các chi phí khác như tiền mắm tôm, rau sống, giấy ăn, gia vị… có thể thấy một suất bún đậu mắm tôm chi phí chỉ khoảng 10.000 đồng. Như vậy, với mỗi suất bún đậu được bán với giá 25.000 đồng, bạn có thể thu lãi 15 nghìn đồng/suất.
Khi đã có một lượng khách tương đối ổn định bạn có thể bán kèm các món khác như bún giả cầy, bún nem, chả cốm hay lòng lợn, trà đá, lúc đó lợi nhuận sẽ tăng gấp bội.
Bí quyết bán bún đậu đông khách
Nhiều cửa hàng bún đậu nhìn rất hấp dẫn nhưng lại không hề đông khách bởi điểm trừ của họ là “mắm tôm pha không chuẩn”. Món bún đậu hấp dẫn bởi 4 yếu tố hòa quyện như đã nói ở trên là bún, đậu, rau thơm và mắm tôm. Bí quyết pha mắm tôm rất quan trọng.
Bác Lâm Thị Quế chia sẻ bí quyết pha mắm tôm mà khách nào ăn cũng “tấm tắc khen ngon” của mình: “Đầu tiên, để có bát nước mắm tôm chấm bún đậu ngon thì đương nhiên là mắm tôm phải là loại ngon. Mắm ngon là khi nếm mắm phải có vị ngọt, thanh chứ không khẳn. Nếu mắm tôm nhìn hơi hồng hồng càng ngon, màu trông đen sì là mắm không ngon và là mắm để lâu rồi”.
“Mắm pha phải đầy đủ gia vị như ớt, đường, chanh. Cho thêm một chút rượu nữa để khử bớt mùi mắm. Khi ăn cho thêm chút mỡ (nếu dùng dầu cũng được nhưng không ngon bằng mỡ) dùng chiên đậu và khi cho vào phải để mỡ hơi nguôi (để tránh làm mắm tôm bị chín sẽ vón và lắng xuống đáy)”, bác Quế tiết lộ thêm
Ngoài ra, một bí quyết nữa giúp cửa hàng của bạn lúc nào cũng đông khách. Đó là sử dụng rau thơm là rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh. Bạn chỉ cần treo một biển quảng cáo: “ Bún đậu bình dân, 100% rau sạch”, chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều khách hàng hiếu kì.
Tuy nhiên, quảng cáo cũng phải đúng sự thật. Bạn có thể liên kết với một cửa hàng rau sạch nào đó có tên tuổi để họ chuyên cung cấp rau sạch cho bạn thường xuyên với giá ưu đãi.
Một cửa hàng bún đậu với bí quyết pha mắm thơm ngon, rau thơm xanh non, sạch, sẽ tạo ra nét riêng độc đáo cho cửa hàng bún đậu của bạn. Đó cũng chính là bí quyết kinh doanh thành công của nhiều chủ cửa hàng bún đậu.
- Cách khởi nghiệp Kinh doanh kính mắt từ A-Z
- Gắn kết bộ phận Sale và Marketing hoạt động hiệu quả
- Cách khởi nghiệp kinh doanh cửa hàng photocopy từ A đến Z
- Cách khởi nghiệp kinh doanh quần áo cho người béo từ A đến Z
- Giải pháp học marketing gói thành viên toàn diện
- Quảng cáo trên Facebook người nổi tiếng: “con dao hai lưỡi”
- Bí quyết bán hàng online tại nhà hiệu quả
- Giải pháp Marketing và truyền thông cho ngành sức khỏe
- W.com.vn – Cổng sản phẩm số và chất xám
- 10 bí kíp hái ra tiền từ việc bán hàng handmade online